Hướng dẫn dùng thuốc đúng cách khi bị rối loạn tiêu hóa
29/04/2021
Rối loạn tiêu hóa là tình trạng phổ biến gây nên các triệu chứng khó chịu cho người bệnh như: Đau bụng, khó tiêu, tiêu chảy,… Việc sử dụng thuốc trong các trường hợp này là giải pháp giúp cải thiện triệu chứng nhanh chóng. Tuy nhiên, nên dùng thuốc như thế nào là hợp lý?
Tùy thuộc vào triệu chứng mà người bệnh gặp phải khi bị rối loạn tiêu hóa sẽ được chỉ định sử dụng các loại thuốc khác nhau. Cụ thể như sau:
Sử dụng thuốc trong trường hợp đầy bụng khó tiêu
Đầy bụng khó tiêu là một trong những triệu chứng điển hình khi bị rối loạn tiêu hóa. Tình trạng này biểu hiện bằng các dấu hiệu như chướng bụng, bụng ậm ạch, căng tức, khó chịu, thường xảy ra sau khi ăn xong nhưng cũng có thể kéo dài cả ngày và gia tăng triệu chứng sau khi ăn. Nguyên nhân do đường tiêu hóa bị tích khí, chức năng tiêu hóa không tốt khiến thức ăn bị ứ đọng ở dạ dày.
Trong trường hợp này, có thể dùng gừng giã nhỏ lấy nước pha cùng nước ấm để giảm triệu chứng. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể sử dụng một số loại thuốc sau:
Maalox: Dùng trong trường hợp dư thừa axit dịch vị gây đầy bụng, khó tiêu kèm ợ chua. Loại thuốc này có tác dụng kháng axit, bảo vệ niêm mạc thực quản và dạ dày tá tràng, giúp điều trị chứng đầy bụng, chậm tiêu. Người bệnh nên dùng thuốc sau khi ăn khoảng nửa tiếng.
Domperidon: Có tác dụng điều hòa nhu động dạ dày – ruột, điều trị các chứng đầy bụng, buồn nôn. Tuy nhiên không uống trong trường hợp có tiền sử chảy máu dạ dày – ruột, tắc ruột, đang mang thai.
Neopeptine: Men tiêu hóa đóng vai trò kích thích tiêu hóa thức ăn dễ dàng hơn. Từ đó giảm cảm giác đầy bụng, chướng hơi.
Sử dụng thuốc đi ngoài, tiêu chảy
Tiêu chảy cũng là dấu hiệu phổ biến mà người bệnh rối loạn tiêu hóa gặp phải. Biểu hiện bằng việc đi ngoài phân lỏng, nhiều lần trong ngày. Nếu không khắc phục kịp thời sẽ khiến người bệnh mất nước, nguy hiểm tới tính mạng. Một số loại thuốc tây được dùng trong trường hợp này bao gồm:
Berberin (Chiết xuất cây Hoàng liên): Đây là một loại kháng sinh thực vật, dùng trong trường hợp đi ngoài phân lỏng, có tác dụng tiêu diệt một số loại vi khuẩn gây bệnh đường ruột. Loại thuốc này thường được chỉ định trong điều trị hội chứng lỵ do trực khuẩn, tiêu chảy,… Bên cạnh đó berberin còn kích thích tiết mật, giúp tiêu hóa tốt hơn.
Oresol: Dùng bù nước cho các trường hợp tiêu chảy. Tuy nhiên, người bệnh cần pha đúng tỷ lệ theo hướng dẫn trên sản phẩm. Trường hợp không có sẵn oresol có thể thay thế bằng nước cháo loãng để uống.
*/ Lưu ý:
Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc cầm tiêu chảy. Bởi nhiều trường hợp rối loạn tiêu hóa do ngộ độc thực phẩm, cơ thể sinh tiêu chảy để tống các chất độc ra ngoài. Nếu bạn sử dụng thuốc cầm tiêu chảy sẽ làm chất thải tích tụ lại gây hại cho cơ thể. Trường hợp tiêu chảy không khu trú, kéo dài, người bệnh có thể sử dụng loperamid theo chỉ định của bác sĩ.
Với những trường hợp tiêu chảy nặng, mất nước nhiều hoặc kéo dài hơn 3 ngày cần đi khám để được khắc phục kịp thời.
Phòng ngừa rối loạn tiêu hóa
Thay vì đợi tới lúc có bệnh mới chữa, bạn cần chủ động hơn trong công tác phòng bệnh bằng cách:
- Có chế độ ăn chín uống sôi.
- Không ăn các thực phẩm có nguy cơ nhiễm khuẩn cao như: Thực phẩm tươi sống, chưa được nấu chín.
- Hạn chế sử dụng rượu bia, chất kích thích.
- Hạn chế các đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay nóng.
Bên cạnh đó, cần chăm chỉ luyện tập thể dục thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày để nâng cao sức khỏe. Từ đó tăng cường chức năng hệ tiêu hóa.
XEM THÊM
- Nguyên nhân hội chứng ruột kích thích – Những con đường gây bệnh ngắn nhất!
- Chảy máu đại tràng – Dấu hiệu CẢNH BÁO những biến chứng nguy hiểm
- Tổng hợp các loại thuốc Tây giúp giảm đau co thắt đại tràng tốt nhất